AiThuong.png
             Ái Thượng là một xã vùng giữa của huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa có các vị trí tiếp giáp: phía Bắc giáp xã Tân Lập, xã Hạ Trung, phía Nam giáp xã Điền Quang, Thiết ống, phía Tây giáp xã Lâm xa, Phí Đông giáp xã Điền Lư và xã lương Ngoại.

Xã Ái Thượng có tổng diện tích tự nhiên là: 2.699,77ha, trong đó: đất sản xuất nông nghiệp là: 563,16ha; đất ao hồ, thủy sản là 18,92ha; đất lâm nghiệp là 1.814,14ha; đất phi nông nghiệp là 303,55ha.

Ái Thượng là một xã được thành lập và chia tách từ xã Long Vân, tổng Xa Long "Mường Ai và Mường Giổi". "Mường Ai" và "Mường Giổi" là hai Mường gốc của người "Mường trong" - Mường Thanh Hóa, đã có tên "Mường Ai" trong sử thi " Đẻ đất, đẻ nước", bài "Mo trêu" nổi tiếng của người Mường.

Từ thời kỳ đầu nhà Nguyễn, tháng 7/1802 sau Khi Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế lấy Niên hiệu là Gia Long đóng đô tại Thành Phú Xuân ( Thành phố Huế ngày nay). Đến năm 1804, Án Sát Quảng Tây Trung Quốc là Tề Bồ Sâm, được vua nhà Thanh phái sang phong Vương cho vua Gia Long. Vua Gia Long chia cả nước thành 23 Trấn, 4 doanh, thời kỳ này xã Ái Thượng thuộc Tổng Xa Long, huyện Cẩm Thủy, phủ Thiệu Thiên, Trấn Thanh Hóa.

Đến năm Minh Mệnh thứ XVI (1835), xã Ái Thượng(Long Vân) thuộc Tổng Xa Long, Châu Quan Hóa, Phủ Thọ Xuân, Trấn Thanh Hóa.

Năm Tự Đức 3(1851) chế độ phong kiến chia 4 tổng: Xa Long, Thiết ống, Cổ Lũng và Điền Lư thuộc Châu Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Năm Khải Định thứ X(1925), thực dân Pháp và triều đình Huế cắt 4 tổng trên thành lập châu mới đặt tên là Châu Tân Hóa. Châu Tân Hóa gồm 30 xã, 221 chòm, bản. Xã Ái Thượng lúc đó thuộc Tổng Xa Long, Châu Tân Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Năm 1943, chính quyền Phong kiến chia Châu Tân Hóa thành 2 phần: phần phí Đông là Tổng Điền Lư và tổng Xa Long nhập vào Châu Cẩm Thủy; phần phía Tây là Tổng Thiết Ống và Tổng Cổ Lũng thanh một bang thuộc Châu Quan Hóa. Sau Cách mạng tháng 5/1945 bốn tổng cũ của Châu Tân Hóa nhập lại vẫn lấy tên là Châu Tân Hóa. Lỵ sở đóng ở La Hán, xã Ban Công hiện nay.

Tháng 11/1945 UBKC tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định đổi tên Châu Tân Hóa thành Châu Bá Thước ( lấy tên Bá Thước để tưởng nhớ một thủ lĩnh phong trào Cần Vương Thanh Hóa là Cầm Bá Thước, người dân tộc Thái, quê ở huyện Thường Xuân).

Tháng 3/1948, thực hiện sắc lệnh 148-SL, sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ nước việt Nam dân chủ cộng hòa, xóa các tổng, xã cũ thành lập xã mới, đơn vị hành chính Châu Bá Thước được đổi sang cấp hành chính: huyện. Huyện Bá Thước lúc đó được chia thành 7 xã, xã Ái Thượng thuộc 1 trong 3 xã của Long Vân, lỵ sở đóng ở Phố Long Giang ( Thị trấn Cành Nàng hiện nay).

Ngày 02/5/1964 thực hiện theo Quyết định 107- QĐ/NV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc chia tách 5 xã lớn: Văn nho, Quốc thành, Long Vân, Hồ Điền, Quý lương thành 18 xã nhỏ. Long Vân được chia thành 3 xã đó là các xã: Lâm xa, Ái Thượng, Hạ Trung. Địa danh xã Ái Thượng ra đời từ đó đến nay, đồng thời tiếp nhận 3 làng: Mý Lộng, Côn, Trênh từ xã Ái Hạ nhập vào xã Ái Thượng.

Trước Cách Mạng tháng 8 năm 1945, xã Ái Thượng có 15 làng: Làng Khà, làng La, Làng Thẩm, Làng Cón, Làng Giổi, Làng Nóc, Làng Thung, Làng Mưỡng,Làng Tôm, Làng Nghỉ, Làng Bật, Làng Mọ, Làng Vèn, Làng Mé ( riêng làng Đan thuộc Đạo Mường khô cai quản). 

Từ năm 1964 đến nay, xã Ái Thượng đã hình thành một đơn vị hành chính Nhà nước cấp thứ 4 với 12  làng: Làng Khà, Làng Cón, Làng Mé, làng Giổi, Làng Trung Tâm, Làng Thung, Làng Tôm, Làng Đan, Làng Vèn, Làng Mý, Làng Trênh, Làng Côn.